Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số điểm mới của Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng

( Cập nhật lúc: 22/06/2022  )

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng (viết tắt là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 139/2017/NĐ-CP) và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 28/01/2022.

1. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:  

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền cho UBND cấp xã, cụ thể: Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; và hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng. 

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của UBND cấp huyện, phạt tiền: đến 200.000.000 đồng và hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị.

2. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: 

Về cơ bản Nghị định 16/2022/NĐ-CP kế thừa Nghị định 139/2017/NĐ-CP về những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, tuy nhiên Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã bỏ quy định viên chức thuộc UBND các cấp được lập biên bản vi phạm hành chính, chỉ quy định  “Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này” có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

3. Bổ sung mới, sửa đổi một số hành vi vi phạm hành chính bị xử lý: 

- Quy định xử phạt hành vi không công khai Giấy phép xây dựng: Xử phạt đối với hành vi không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công (khoản 2 Điều 16). 

- Quy định xử phạt không điều chỉnh Giấy phép xây dựng: Xử phạt đối với hành vi không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng (khoản 3 Điều 16)

- Quy định xử phạt trong quản lý hạ tầng kỹ thuật, bổ sung xử phạt các hành vi như: 

+ Vi phạm quy định về ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, kế hoạch phát triển cấp nước (điều 43).

+ Vi phạm quy định về quản lý hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa (điều 51).

- Bổ sung hành vi được xác định là sai phép: Trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (khoản 17 Điều 16).

- Sửa đổi quy định về trường hợp đang thi công phải xin phép xây dựng

Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ quy định đối với trường hợp xây dựng sai phép, không phép, xây dựng không đúng thiết kế mà đang thi công xây dựng thì bị lập biên bản vi phạm hành chính, dừng thi công và cho 60 ngày đề cá nhân, tổ chức vi phạm làm thủ tục giấy phép xây dựng. Quy định này gây nhiều khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt cũng như người vi phạm, bởi vì có nhiều công trình không đủ điều kiện để xin giấy phép xây dựng nhưng vẫn phải để 60 ngày để làm thủ tục, dẫn đến người vi phạm tiếp tục vi phạm, khó xử lý cưỡng chế sau này.

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể chỉ những trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công thì mới cho thời hạn 90 ngày hoặc 30 ngày để làm thủ tục xin phép, cụ thể tại Điều 81 quy định:

Các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 16 Nghị định này thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công thì xử lý như sau:

- Người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp giấy phép, về thẩm định và bổ sung thêm hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

4. Về công trình khác: 

Nghị định 16 đã bổ sung một số nội dung ở Nghị định 139/2017/NĐ-CP khi giải thích về công trình khác, như bổ sung công trình không thuộc trường hợp lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, quy định rõ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì Công trình khác quy định tại Nghị định này là công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng và không phải là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

5. Tăng mức phạt:

- Tăng mức phạt đối với hành vi sai giấy phép xây dựng

Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã tách thành 02 nhóm hành vi để xử phạt và tăng mức xử phạt, cụ thể:

+ Tại khoản 4 Điều 16 quy định Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn như sau:

a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

+ Tại khoản 6 Điều 16 quy định Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

- Vi phạm về lập quy hoạch xây dựng, đô thị: 

Theo Điều 9 Nghị định 16/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: (i) Tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch không đúng yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và thời gian quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 30 đến 40 triệu đồng); (ii) Không lấy ý kiến hoặc lấy ý kiến không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 30 đến 40 triệu đồng);(iii) Tổ chức lập bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) không phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng (đây là nội dung mới bổ sung).

- Hành vi xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: (i) Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác (trước đây, mức phạt với hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng);

- Hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng: 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: (i) Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ (trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 20 đến 30 triệu đồng); (ii) Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác; (Trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng);(iii) Phạt tiền từ 120 đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (trước đây, mức phạt đối với hành vi này từ 30 đến 50 triệu đồng).

- Hành vi không lắp đặt biển báo tại công trình xây dựng: 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng).

- Hành vi thi công sai hợp đồng xây dựng: 

Theo  quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi thi công sai hợp đồng xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật (trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng).

- Tăng gấp đôi mức phạt với hành vi phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo đủ vốn: 

Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100 đến 120 triệu đồng đối với hành vi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo đủ vốn của dự án theo quy định (trước đây, mức phạt đối với hành vi này là từ 50 đến 60 triệu đồng).

- Tăng mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu tạm dừng

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã kế thừa quy định của Nghị định 139/2017/NĐ-CP về việc xử phạt hành vi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm, tuy nhiên đã bổ sung quy định việc tiếp tục vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tăng mức phạt tối thiểu từ 5 triệu lên 100 triệu và tối đa 350 triệu lên 500 triệu,cụ thể:

Tại khoản 12 Điều 16 quy định Xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này thì mức phạt cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

6.  Vi phạm quy định về trật tự xây dựng

- Không phân biệt nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn

Nghị định 139 chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ ở đô thị không có giấy phép xây dựng, Nghị định 16 bỏ quy định chỉ xử phạt ở đô thị mà quy định xử phạt chung cho cả đô thị và nông thôn đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng.

Tại khoản 7 Điều 16 quy định Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

- Xây dựng trên đất không đúng mục đích chỉ xử phạt đất đai

Trước đây, Nghị định 139/2017/NĐ-CP không quy định cụ thể việc xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích thì bị xử phạt như thế nào nên thực tế các cơ quan nhà nước khi phát hiện hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đã xử phạt cả 02 hành vi, đó là xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, và xử phạt hành vi xây dựng không phép đối với khu vực đô thị theo Nghị định 139.

Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể:  Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Như vậy, theo Nghị định 16 thì khi cá nhân, tổ chức xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích sử dụng đất, ví dụ xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp thì chỉ bị xử phạt 01 hành vi chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, không xử phạt trên lĩnh vực xây dựng. Quy định này phù hợp với thực tiễn, bởi vì thực chất người vi phạm chỉ có 01 hành vi vi phạm.

7. Thay đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định 16 đã bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả  Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép xây dựng hoặc buộc công khai giấy phép xây dựng theo quy định với hành vi không điều chỉnh gia hạn, công khai giấy phép xây dựng.

Nghị định 16 đã sửa đổi biện pháp “buộc tháo dỡ” thành “Buộc phá dỡ” công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quy định này phù hợp với Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và phù hợp với thực tế cưỡng chế công trình xây dựng, không thể tháo dỡ mà phải phá dỡ công trình vi phạm.

Tác giả:  Nông Thị Lam Luyến
Nguồn:  Thanh Tra
Sign In


CỔNG TTĐT SỞ XÂY DỰNG BẮC KẠN

Cơ quan chủ quản: Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn

Giấy phép xuất bản số 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn cấp ngày 04/5/2017; Gia hạn số 29/GP-TTĐT ngày 24/5/2022

Phó Trưởng ban Biên tập phụ trách: Ông: Hà Minh Cương

Địa chỉ: Số 7 - đường Trường Chinh, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Điện thoại: 0209. 3870182 - Fax: 0209. 3870873 - Email: soxaydung@backan.gov.vn

Hotline: Trong giờ làm việc: 02093.870.779 - 24/7: 0868.531.488 

 Trực Trung tâm HCC:

- Bà: Bàn Thị Thắm (nhân sự chính thức) trực và làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn từ ngày 01 đến hết ngày 30 hàng tháng (Số điện thoại liên hệ: 0868058889)

- Dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí qua số tài khoản: 39510000036173 tại BIDV chi nhánh tỉnh Bắc Kạn

Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này.