HƯỚNG DẪN
Về công tác tổ chức lấy ý kiến về nội dung nhiệm vụ và đồ án trong quá trình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
1. Sự cần thiết ban hành hướng dẫn.
Trong công tác tổ chức lập quy hoạch, việc lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền và của các cơ quan chuyên môn tại các địa phương để hình thành ý tưởng, phương án và định hướng quy hoạch có chất lượng chưa cao; việc đóng góp ý kiến của cộng đồng dân cư trong vùng quy hoạch; sự phản biện của các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp đối với nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế dẫn đến khi trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần làm kèo dài thời gian tổ chức lập quy hoạch. Mặt khác công tác tổ chức lấy ý kiến về chuyên môn của các cơ quan nhà nước trong quá trình tổ chức thẩm định và lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch các cấp trước khi phê duyệt nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch giữa các địa phương, đơn vị tổ chức lập quy hoạch thực hiện chưa thống nhất, đồng bộ theo quy định. Để khắc phục tồn tại nêu trên, thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Thông báo số 164/TB-UBND ngày 05/6/2023, Sở Xây dựng ban hành Hướng dẫn về công tác tổ chức lấy ý kiến về nội dung nhiệm vụ và đồ án trong quá trình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch (gồm quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị) trên địa bàn tỉnh.
- 2. Các căn cứ.
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Thông tư 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
- 3. Yêu cầu trong việc lấy ý kiến về nội dung quy hoạch.
- Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất; tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư tham gia góp ý.
- Các cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
- Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề của quy hoạch có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.
- Ý kiến đóng góp phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện.
- 4. Trách nhiệm trong việc thực hiện lấy ý kiến.
a) Trách nhiệm của Cấp ủy, chính quyền địa phương.
- Khi tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung xây dựng xã; quy hoạch chung xây dựng các đô thị là các quy hoạch có tính định hướng rộng, bao trùm và liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều địa phương quản lý. Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại khu vực trung tâm đô thị, trung tâm hành chính - chính trị, các trục đường chính đô thị, trung tâm xã và các vị trí có ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực…. Cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền để thảo luận, đưa ra ý tưởng, phương án, định hướng quy hoạch, dự báo tầm nhìn quy hoạch, xác định mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với không gian, kiến trúc cảnh quan của khu vực để đơn vị tổ chức lập quy hoạch có cơ sở thực hiện lập quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến về nội dung quy hoạch, cơ quan chủ trì có thể mời các cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp, các đơn vị, địa phương có liên quan, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch tham dự để đóng góp ý kiến, thảo luận đưa ra ý tưởng quy hoạch.
- Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) thực hiện công tác lập quy hoạch theo đúng ý tưởng, định hướng được đưa ra tại kết luận Hội nghị cán bộ chủ chốt và thực hiện công tác lấy ý kiến đảm bảo yêu cầu chất lượng, đúng theo quy định.
- Phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư về nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
b) Trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư).
- Trên cơ sở ý tưởng, định hướng quy hoạch được đưa ra tại kết luận Hội nghị cán bộ chủ chốt tại địa phương, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm đưa vào nội dung yêu cầu trong nhiệm vụ quy hoạch để làm cơ sở triển khai thực hiện trong quá trình lập đồ án quy hoạch.
- Xác định yêu cầu về nội dung, hình thức và đối tượng lấy ý kiến về đồ án quy hoạch trong nội dung Nhiệm vụ quy hoạch theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng.
- Chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chuẩn bị nội dung báo cáo, tài liệu quy hoạch và phiếu lấy ý kiến phục vụ công tác lấy ý kiến.
- Lập kế hoạch tổ chức hội nghị, chuẩn bị địa điểm và các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tại các địa phương (nếu có).
- Chủ trì, phối hợp với UBND các cấp tổ chức niêm yết nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến. Lập báo cáo tổng hợp ý kiến ngay sau khi hết thời hạn lấy ý kiến (nếu có).
- Có trách nhiệm báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, đại diện cộng đồng dân cư được lấy ý kiến bằng văn bản; chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng.
c) Trách nhiệm của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
- Phối hợp cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) chuẩn bị hồ sơ, báo cáo phục vụ lấy ý kiến tại Hội nghị (nếu có).
- Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản theo đúng quy định.
- Phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) phân tích, giải trình đầy đủ theo các ý kiến góp ý về nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Hoàn thiện nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng.
d) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.
- Tích cực tham gia góp ý, chịu trách nhiệm về tính chính xác, định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực phụ trách, phạm vi quản lý; tham gia ý kiến đúng thời hạn yêu cầu.
- Xem xét, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý, phạm vi quản lý nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch.
- Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý trực tiếp tại Hội nghị lấy ý kiến.
- Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến về quy hoạch thuộc thẩm quyền lập của UBND tỉnh bao gồm: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan đến nội dung quy hoạch; UBMTTQ tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã thuộc phạm vi lập quy hoạch và UBND cấp huyện (hoặc cấp xã) nằm liền kề tiếp giáp với phạm vi lập quy hoạch; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp có liên quan đến nội dung quy hoạch (nếu có).
- Các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến về quy hoạch thuộc thẩm quyền lập của UBND cấp huyện bao gồm: Các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có liên quan đến nội dung quy hoạch; UBMTTQ huyện; UBND cấp xã thuộc phạm vi lập quy hoạch và UBND cấp xã nằm liền kề tiếp giáp với phạm vi lập quy hoạch; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp có liên quan đến nội dung quy hoạch (nếu có).
- Các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng nông thôn thuộc thẩm quyền lập của UBND xã bao gồm: Các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có liên quan đến nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn; UBMTTQ xã; các Ủy viên của Ủy ban nhân dân xã.
- Đại diện cộng đồng dân cư được xác định là: Đại diện lãnh đạo của các đơn vị dân cư cấp thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố.
- Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp khác của cấp xã và cấp thôn có liên quan gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Hội: Nông dân, Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh...
- 5. Các bước lấy ý kiến.
Bước 1. Lấy ý kiến trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
a) Về căn cứ thực hiện: Công tác tổ chức lấy ý kiến trong quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được quy định tại Điều 20, 21 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 16,17 Luật Xây dựng 2014.
- Đối với các quy hoạch gồm: quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn không bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, cơ quan (hoặc chủ đầu tư) tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch có thể xem xét tổ chức lấy ý kiến về nội dung nhiệm vụ quy hoạch.
- Đối với quy hoạch đô thị bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo quy định tại Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị năm 2019.
b) Trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến:
- Trường hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao tổ chức lập quy hoạch thuộc thẩm quyền lập của UBND tỉnh thì đơn vị được giao có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức theo quy định tại điểm d, mục 4 nêu trên và tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư tại nơi quy hoạch;
- Trường hợp các phòng, ban cấp huyện được giao tổ chức lập quy hoạch thuộc thẩm quyền lập của UBND cấp huyện thì đơn vị được giao có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chứctheo quy định tại điểm d, mục 4 nêu trên và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại nơi quy hoạch;
- Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn thì UBND xã có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức cấp huyện có liên quan, lấy ý kiến của UBMTTQ xã và lấy ý kiến của các Thành viên UBND xã.
- Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư tổ chức lập quy hoạch (khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị; khoản 3 Điều 24 Luật Xây dựng 2014) thì chủ đầu tư có văn bản lấy ý kiến của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có liên quan đến nội dung quy hoạch; UBMTTQ huyện; UBND cấp xã thuộc phạm vi lập quy hoạch và UBND cấp xã nằm liền kề tiếp giáp với phạm vi lập quy hoạch; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp có liên quan đến nội dung quy hoạch (nếu có). Đồng thời tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại nơi quy hoạch;
c) Hình thức và thời gian lấy ý kiến.
Tuân thủ theo quy định tại Điều 19, Luật Quy hoạch năm 2017, Điều 17 Luật Xây dựng, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 44/2015/NĐ-CP.
Đối với nội dung, hình thức và đối tượng lấy ý kiến về đồ án quy hoạch phải được xác định trong nhiệm vụ quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Thời điểm tổ chức lấy ý kiến: Trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch.
e) Thành phần hồ sơ, nội dung lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến. Theo các Phụ lục đính kèm.
f) Công tác tiếp thu ý kiến, tổng hợp, giải trình: Kết quả lấy ý kiến được cơ quan tổ chức lập quy hoạch chủ trì tổng hợp, các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh các phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Bước 2. Lấy ý kiến trong quá trình thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
a) Về căn cứ thực hiện: Công tác lấy ý kiến trong quá trình thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch được quy định tại Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ; Điều 25 Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.
b) Trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến: Cơ quan tổ chức thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch theo quy định.
c) Hình thức lấy ý kiến:
- Cơ quan thẩm định gửi hồ sơ và lấy ý kiến bằng văn bản. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch (hoặc chủ đầu tư) có trách nhiệm cung cấp hồ sơ cho cơ quan thẩm định.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về nội dung nhiệm vụ, đồ án quy hoạch bằng văn bản gửi cho cơ quan thẩm định.
d) Thời điểm lấy ý kiến: Trong thời gian tổ chức thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch.
e) Cơ quan đóng góp ý kiến: Các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng cấp, các hội chuyên ngành (nếu có) và các chuyên gia có liên quan (nếu có).
f) Thành phần hồ sơ: Theo các Phụ lục đính kèm.
g) Công tác tiếp thu ý kiến, tổng hợp, giải trình.
Nội dung góp ý về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng sẽ được cơ quan thẩm định gửi bằng văn bản đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng để làm cơ sở hoàn chỉnh nội dung nhiệm vụ và đồ án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 3: Trong quá trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
a) Về căn cứ thực hiện: Công tác lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý quy hoạch cấp tỉnh trước khi phê duyệt được quy định tại Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị; Điều 34 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.
b) Trách nhiệm lấy ý kiến:
- Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh văn bản lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh theo quy định phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
- Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tham mưu cho UBND các huyện, thành phố lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.
c) Thời điểm lấy ý kiến: Sau khi tổ chức thẩm định nội dung nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xong, trước khi ban hành Báo cáo kết quả thẩm định.
d) Thành phần hồ sơ: Theo các Phụ lục đính kèm.
e) Công tác tiếp thu ý kiến, tổng hợp, giải trình.
- Sở Xây dựng tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Xây dựng, tham mưu Văn bản cho UBND tỉnh văn bản trả lời Bộ Xây dựng khi có yêu cầu.
- Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Sở Xây dựng, tham mưu cho UBND cấp huyện văn bản trả lời Sở Xây dựng khi có yêu cầu.
HD 1476 tại đây